Thầy cô

Đưa lên bởi: webams | 06/04/2021

Một trong những thành công của nhà giáo Trần Văn Khải (1954 - 2020) là đào tạo nhiều học sinh giỏi, đoạt giải cao trong các cuộc thi Toán quốc gia và quốc tế.

Thầy Đỗ Lệnh Điện - hãy để cho các em phát huy được tài năng

Quan điểm của thầy là hãy để cho các em được tự do phát triển tài năng của mình. Thầy thấy rằng, thật ra những gì các em đang thực hiện ở nhà trường chỉ là một trò chơi trí tuệ, một trò chơi nhằm rèn luyện con người. Những kiến thức các em đang học đâu phải sau này sẽ được sử dụng hết. Cái mà các em cần hơn la khả năng tư duy, khả năng làm việc độc lập và trong tổ chức, tính năng động sáng tạo để áp dụng cho những việc khác sau này.

Thầy Đỗ Lệnh Điện - hãy để cho các em phát huy được tài năng.

Mặc dù hẹn đã lâu nhưng gặp được thầy thật khó vì với cương vị hiệu trưởng, thầy có rất ít thời gian. Tuy vậy, đến khi nói chuyện với thầy thì dễ dàng hơn biết bao nhiêu, ít ai nghĩ rằng thầy lại cở mở đến vậy. Thầy trả lời và cười với chúng tôi rất vui vẻ. Vì chỉ có khoảng gần tiếng đồng hồ nên chúng tôi đã vào thẳng vấn đề …

… Phải luôn biết “hoài nghi khoa học”…

1. Thầy có thể cho chúng em về chặng đường mà thầy đã trải qua: em biết thầy vốn là một giáo viên dạy Lý - hoàn cảnh nào đã đưa thầy đến nghề sư phạm, và đã theo môn Lý ?

Thời buổi bao cấp, tất cả học sinh bọn thầy đều tốt nghiệp và vào Đại học cả, ngành nghề là do nhà nước phân, thầy cũng được phân vào ngành sư phạm và môn Lý chứ không được chọn lựa gì cả, cũng chưa có ý thức về nghề nghiệp như bây giờ. Nhưng sau khi đi dạy thì thật may mắn lại thấy hợp với sở thích cũng như năng lực của mình, tìm thấy niềm vui cũng như sự gắn bó với nghề. Thầy về Ams từ những năm đầu tiên, trước đó thầy dạy Lý ở Chu Văn An.

Là một người thầy rất giỏi trong bộ môn Lý, thầy có thể cho chúng em biết ngày xưa thầy đã học như thế nào ?

Ngày xưa bọn thầy tự học là chính, không đi học thêm nhiều như bây giờ. Thầy thì ngay từ cấp III đã đi làm thẻ thư viện Hà Nội, vào đó tìm thêm sách để học. Thầy thích môn Lý nên đọc đủ loại, sách các lớp trên, sách Đại học. Hơn nữa hồi đó hay có các đôi bạn cùng tiến, giúp đỡ nhau trong học tập, thầy ở trong nhóm cũng phải tự mình mày mò ra cách hướng dẫn bạn … Thầy thấy không riêng môn Lý mà với mọi lĩnh vực ta cần phải đầu tiên là ham học, sau là cần tự mình chủ động nghiên cứu, khám phá, thứ ba là có trí nhớ tốt để ghi nhớ kiến thức, thứ tư là khả năng phân tích, tổng phân hợp vấn đề, thứ năm đó là phải biết “hoài nghi khoa học”. Tức luôn thắc mắc, nghi ngờ kể cả thầy giáo, định lý, chỉ khi nào mình tự chứng minh, hiểu vấn đề một cách rõ ràng, cặn kẽ thì mới thôi. Điều này đặc biệt quan trọng cho những ai ở trong ngành Vật lý.


Đối với nghề giáo thì khả năng diễn đạt, trình bày vấn đề rõ ràng là rất quan trọng. Thêm nữa, quá trình dạy học là phát hiện và dự đoán sai lầm, vướng mắc của học sinh, giúp học sinh giải quyết những vướng mắc, sai lầm ấy. Mình cũng phải luôn cố gắng cải tiến phương pháp truyền đạt kiến thức, đôi khi chỉ cần gợi ý một câu thôi nhưng cũng có thể giúp học sinh giải quyết cả bài toán.

Và cách học Lý bây giờ có khác gì với cách học của các thầy ngày xưa không ?

Bây giờ học sinh phải tiếp thu một lượng kiến thức lớn hơn ngày xưa rất nhiều. Tuy vậy các em cũng có nhiều tư liệu tham khảo hơn, được tiếp xúc với nhiều thầy giỏi. Điều đó là một lợi thế rất lớn mà các em có thể tận dụng. Nhưng lạm dụng chúng thì chính lợi thế đó lại trở thành điểm yếu của các em, làm các em ít tự tìm tòi, làm giảm sự độc lập và tính sáng tạo. Những điều đó rất cần thiết không chỉ trong môn lý, các môn tự nhiên mà còn cần trong các môn xã hội, và còn cần hơn cho sau này khi các em đi làm bởi không phải lúc nào cũng có người chỉ dẫn, cũng có sách cho các em tham khảo. Ngày nay học sinh Việt Nam kém Thế giới phần lớn là ở chỗ ít tính sáng tạo và độc lập đó.

2. Việc chuyển từ một giáo viên bộ môn lên giáo viên quản lý không biết có những khó khăn nào không ạ ?

Khi là một giáo viên bộ môn thì thầy chỉ cần quan tâm đến một việc là giảng dạy, mà cũng chỉ là dạy một vài lớp, những việc chung có quan tâm cũng không nhiều. Nhưng khi là một hiệu trưởng, thì phải quan tâm đến mọi công việc, đến tất cả các lớp. Ví dụ như ngày xưa ở tổ Lý thì thầy chỉ đề nghị Ban giám hiệu đầu tư hơn cho tổ Lý, thì nay trên cương vị hiệu trưởng, nếu tổ Lý có đề nghị thì thầy phải cân nhắc, vì còn cần quan tâm đến những tổ khác như tổ Hóa, tổ Sinh … Làm hiệu trưởng có nhiều khó khăn, nhất là việc cân đối tài chính cho trường ( đảm bảo cả hai mảng Học tập & Phong trào ) rồi điều hòa các mối quan hệ ( giữa giáo viên với giáo viên, giáo viên với học sinh, giáo viên với phụ huynh, trường với sở - bộ, trường với địa phương …).

Hanoi – Amsterdam đã trở thành một thương hiệu được rất nhiều bạn bè thế giới biết đến …

3. Thầy về trường từ những ngày đầu tiên, chứng kiến từng bước đi của mái trường thân yêu này. Hiện giờ, trên cương vị hiệu trưởng, em nghĩ thầy càng có cơ hội để nhìn lịch sử trường Ams một cách toàn diện. Thầy có cảm nhận gì về từng giai đoạn phát triển của Ams ?

Thực ra các giai đoạn của trường Ams cũng hòa cùng với hoàn cảnh của đất nước. Những năm đầu tiên, đất nước vẫn còn trong chế độ bao cấp, kinh tế còn lạc hậu , quan hệ chưa rộng, thầy và trò cũng chỉ tập trung vào dạy và học. Sau này, khi đất nước mở cửa, kinh tế đi lên, trường cũng có điều kiện hơn để chăm lo đến các phong trào văn thể mĩ, đồng thời mở rộng các mối quan hệ với các trường trên khắp thế giới. Người đặt nền móng cho quan hệ quốc tế của trường Ams là thầy Khải - người hiệu trưởng ngay trước thầy. Thầy Khải rất giỏi ngoại ngữ nên đã xin được một số học bổng du học cho học sinh trường mình. Rồi đến lượt thầy, các mối quan hệ quốc tế tiếp tục phát triển, phần vì các lứa học sinh đi trước đạt thành tích cao tạo nên uy tín của trường ta. Tiếp xúc với trường nào trên thế giới thầy cũng giới thiệu về học sinh Ams, kêu gọi học bổng. Đến bây giờ có thể nói Hanoi- Amsterdam đã trở thành một thương hiệu được rất nhiều bạn bè thế giới biết đến. Ba năm trước, tình cờ thầy gặp một thầy là hiệu trưởng một trường Đại học ở Hirôsima - Nhật Bản, ông ấy đã bày tỏ niềm khâm phục đối với học sinh Ams và trường Ams vì thành tích cao ở khắp nơi. Lúc đó thầy rất bất ngờ và xúc động vì ở một nơi mà mình chưa có mối quan hệ, chưa biết gì về họ mà họ lại có những suy nghĩ trân trọng trường mình như vậy …

Quan điểm của thầy là hãy để cho các em được tự do phát triển tài năng …

4. Tùy vào hoàn cảnh và tính cách của mỗi người, mỗi hiệu trưởng trong thời gian lãnh đạo trường đều để lại một dấu ấn nhất định. Không biết thầy có suy nghĩ gì về hướng đi nền tảng, đặc trưng cho Ams trong thời gian tới ?

Quan điểm của thầy là hãy để cho các em được tự do phát triển tài năng của mình. Thầy thấy rằng, thật ra những gì các em đang thực hiện ở nhà trường chỉ là một trò chơi trí tuệ, một trò chơi nhằm rèn luyện con người. Những kiến thức các em đang học đâu phải sau này sẽ được sử dụng hết. Cái mà các em cần hơn la khả năng tư duy, khả năng làm việc độc lập và trong tổ chức, tính năng động sáng tạo để áp dụng cho những việc khác sau này. Do đó, nhà trường luôn tạo điều kiện cho các em được hoạt động. Chỉ Ams mới có những chương trình ca nhạc lớn mà hoàn toàn do học sinh tự đứng ra tổ chức từ mặt vé, tài trợ, mời ca sĩ, thuê rạp, sân khấu … Nhà trường rất ủng hộ những hoạt động ấy để các em được thể hiện mình, phát huy năng lực cá nhân trong một số lĩnh vực nhất định. Tất nhiên là vì không có điều kiện để duyệt hết mọi thứ nên trong những chương trình ca nhạc ấy còn một số điều còn chưa phù hợp với lứa tuổi học sinh, nhà trường trường sẽ uốn nắn, sửa đổi cho các em dần dần … , mặc dầu vậy vẫn hết sức ủng hộ, hỗ trợ các em. Và các em cũng thấy, học sinh Ams ra ngoài đời khác hẳn những nơi khác, được xã hội đánh giá rất cao ở tính năng động và sáng tạo.

Học sinh Việt Nam dù đi đâu vẫn là người Việt Nam và luôn hướng về Tổ Quốc …

Trường mình mấy năm gần đây số học sinh đạt giải quốc tế, quốc gia không nhiều, trong khi số đi du học lại rất đông, có người còn kêu trường Ams bây giờ chỉ giỏi ngoại ngữ, thầy nghĩ gì về vấn đề này ?

Về chuyện đi du học và thi quốc gia, quốc tế, thầy thấy thế này: Đạt giải quốc gia hay quốc tế mới đơn thuần là một mốc trong một giai đoạn rất ngắn của học sinh, còn đi du học, học hỏi tri thức, phương pháp làm việc ở những nước phát triển lại có ảnh hưởng đến sự nghiệp lâu dài của các em về sau. Nguyện vọng đó của các em và gia đình là chính đáng. Nhà trường không cản, không thể cản và cũng không hề muốn cản các em tập trung vào mục tiêu lâu dài đó. Vì thế nhà trường cố gắng giúp đỡ các em trong chuyện đi du học, mong các em có một tương lai tốt nhất. Tuy vậy không có nghĩa là trường không chú trọng đến thành tích quốc gia, quốc tế. Nhà trường muốn cả hai, vừa có những em đi thi đạt giải, vừa có những học sinh đi du học học giỏi và đã đang điều hòa cả hai mục tiêu ấy.

Người ta còn có thể dị nghị chuyện đi du học ở điểm khác nữa. Có lần một người Mĩ đã hỏi thầy đại ý rằng: “Tại sao học sinh Việt Nam đi du học nhiều nhưng số quay về vẫn còn rất ít”, thầy đã trả lời ông ta là : “ Chuyện học sinh du học ở lại là bình thường ngay cả với những nước phát triển như Anh, Mỹ… Huống chi kinh tế Việt Nam đang còn yếu, lạc hậu so với thế giới, các em về chưa có điều kiện để phát huy hết khả năng. Các em sau khi học xong cần có cơ hội cọ xát, trau dồi, áp dụng những gì mình đã học ở những nơi có trình độ kinh tế, khoa học phát triển cao. Tuy thế với đà đi lên của kinh tế Việt Nam như thế này, tôi tin rằng nếu như bây giờ 10 em đi có 8 em không về, thì vài năm nữa sẽ chỉ còn 7, sang năm nữa còn 6, 5 … Vả lại thế giới bây giờ là thế giới mở, ở lại không có nghĩa là các em không giúp được nước nhà. Dù đi đến nơi đâu, các em vẫn luôn là người Việt Nam, vẫn luôn hướng về Tổ Quốc và nghĩ đến việc giúp đỡ đất nước mình.”

Nhà trường muốn các em sửa tính ích kỷ của mình…

5. Vấn đề kỷ luật, đạo đức của học sinh Việt Nam hiện nay hình như đang có vấn đề (quay cóp trong giảng đường, những vụ đánh nhau, đua xe, rồi hành hung thầy cô giáo …) , Ams mình tuy không nghiêm trọng đến mức ấy nhưng em chắc ban giám hiệu cũng phải vất vả nhiều trong việc xử lý để đưa học sinh vào nề nếp ?

Tất nhiên rồi! Trường mình nhìn chung thì đại đa số là ngoan, ít có vấn đề hơn các trường khác, nhưng không phải là không có chuyện. Có những trường hợp xích mích dẫn đến kéo người từ trường ngoài vào hành hung bạn, nhà trường đã phải xử lý nghiêm khắc. Một điểm nữa cũng thuộc về kỷ luật là vấn đề đồng phục, ban giám hiệu quy định các em mặc đồng phục nhằm tạo ra sự bình đẳng, vô tư giữ học sinh với nhau vì nhiều khi chỉ vì cách ăn mặc mà cũng dẫn đến những xô xát không đáng có.

Nhưng bàn về đạo đức, vấn đề thầy quan tâm nhất đối với học sinh trường mình là tính ích kỷ của học sinh. Các em mặc dù rất giỏi nhưng được gia đình quan tâm săn sóc nên đôi khi quên mất mọi người mà chỉ nghĩ đến mình. Cái ích kỷ này không chỉ riêng chuyện các em ganh đua nhau từng ly trong việc học hành, ích kỷ còn thể hiện ở ý thức cá nhân: khi các em viết vẽ lên những tấm bàn ghế mới vừa được trang bị, ra về tụ tập rất thoải mái trước cổng trường, chắn lối đi của mọi người … Đó là một tính xấu cần phải được cả xã hội quan tâm và uốn nắn. Dịp vừa rồi, các thầy cũng đã đưa toàn trường tham gia ủng hộ cho ParaGames, nhằm giáo dục cho các em lòng yêu thương, quý trọng con người, học tập những con người biết vươn lên chiến thắng số phận ….

6. HAO kỳ này sẽ tổ chức một đại hội lớn mang tên HAO – Ngày về 2004, thầy có thể cho chúng em đôi dòng cảm tưởng về HAO được không ạ ? và thầy nghĩ từ phía nhà trường có thể hỗ trợ gì cho hiệp hội ?

Nếu có thể nhà trường sẽ đóng góp về phương hướng hoạt động của HAO, ủng hộ các em về mặt tinh thần, làm chỗ dựa cho các em về mặt pháp lý, tập hợp lại những học sinh cũ. Nhà trường mong các em đoàn kết với nhau, vừa là giúp đỡ nhau trong cuộc sống, vừa hướng về trường Ams, nâng đỡ các thế hệ đi sau.

Chúng em cảm ơn thầy rất nhiều vì buổi nói chuyện hôm nay, hẹn gặp lại thầy vào ngày 4-1 tới.

Hẹn gặp lại các em.

Tạm biệt chúng tôi lúc 5h chiều thứ Bảy, thầy quay trở về bàn riêng, tiếp tục công việc bộn bề của mình.

Thực hiện: Trần Ngọc Diệp và Nguyễn Minh Trung.

Ngày 27 tháng 12 năm 2003.



Thầy Lê Trọng Tuấn - Hiểu và gần gũi với học sinh thì tự nhiên sẽ có những kỉ niệm với chúng

Đúng 11 giờ ngày 3-10-2003, tôi có mặt tại căn phòng hiệu phó của thầy ở tầng 2 khu nhà văn phòng. Vẫn nụ cười đó, thầy niềm nở đón tiếp tôi, một phóng viên bất đắc dĩ chưa từng học lấy nửa chữ về nghiệp vụ báo chí. Căn phòng không rộng nhưng đủ cho một hiệu phó "xuềnh xoàng”nghỉ ngơi sau những giờ làm việc vất vả. Và câu chuyện của thầy trò chúng tôi bắt đầu.

11 giờ ngày 3-10-2003.Tôi có mặt tại căn phòng hiệu phó của thầy ở tầng 2 khu nhà văn phòng. Vẫn nụ cười đó, thầy niềm nở đón tiếp tôi, một phóng viên bất đắc dĩ chưa từng học lấy nửa chữ về nghiệp vụ báo chí. Căn phòng không rộng nhưng đủ cho một hiệu phó "xuềnh xoàng”nghỉ ngơi sau những giờ làm việc vất vả. Trên bàn nước, chiếc gạt tàn đầy những đầu lọc đặt trang trọng trên mặt kính có dòng chữ "NO SMOKING". Và câu chuyện của thầy trò chúng tôi bắt đầu.


- Sức khoẻ của thầy dạo này thế nào ạ?

- Bình thường thôi, cứ nhìn sẽ biết!


- Xin phép thầy được bắt đầu.

- Sẵn sàng, tôi luôn sẵn sàng!


- Thầy bắt đầu trở thành nhà giáo từ bao giờ ạ?

- Tôi tốt nghiệp ĐHSP năm 1973 và trở thành giáo viên dạy vật lý từ đó đến nay.


- Như vậy là đã 30 năm rồi đúng không ạ, một khoảng thời gian khá dài. Vậy đó có phải ước mơ từ nhỏ của thầy không?

- Phải nói rằng thời kì đó có mơ ước cũng không được vì đó là thời kì bao cấp. Mọi cái đều do nhà nước phân công bố trí. Tốt nghiệp phổ thông xong tôi cũng không đăng kí học sư phạm nhưng nhà nước phân công thì phải chấp nhận. May mắn là 30 năm qua tôi luôn cảm thấy gắn bó với công việc của mình.


- Thầy đã dạy ở trường Ams bao nhiêu năm? Thầy có thể kể qua về quá trình công tác của mình ở trường?

- Tôi về trường từ tháng 9-1986 tức là sau ngày thành lập trường 1 năm. Từ lúc đó đến năm 1998 tôi tham gia công tác giảng dạy bộ môn Vật Lý ở trường, và từ 1-9-1998 đến nay, tôi làm công tác quản lý.


- Thầy có thể kể về những kỉ niệm sâu sắc nhất kể từ khi về giảng dạy ở trường Ams được không?

- Những kỉ niệm thật đặc biệt thì không có nhưng cứ mỗi lứa học sinh ra trường đều để lại cho tôi những ấn tượng sâu sắc. Tôi luôn luôn cố gắng gần gũi, chân tình trong quan hệ với học sinh, đồng thời cố gắng để trở thành một người thầy gương mẫu. Hiểu và gần gũi với học sinh thì tự nhiên sẽ có những kỉ niệm với chúng.


- Học sinh Ams luôn tự hào mình có phong cách riêng, một "phong cách học sinh Ams". Thầy nghĩ gì về điều này?

- Tôi đồng ý rằng học sinh trường ta luôn tạo ra một phong cách sống, học tập và vui chơi rất riêng. Các em đã thể hiện rõ tính năng động và sáng tạo tự nhiên đó là những điều đất nước ta đang mong chờ ở thế hệ trẻ, những người luôn luôn tự tin ở bản thân mình.


- Vậy còn điều gì khiến thầy phiền lòng nhất về học sinh trong trường?

- Có 2 điều đó là tính tự do và thói ích kỉ cả trong sinh hoạt và học tập. Tính tự do có lẽ là vì những học sinh đa số được nuông chiều ở gia đình nên đôi khi phát sinh sự thoải mái hơi quá mức. Tuy nhiên nếu đưa các em vào khuôn phép thì chính các em lại có được tính tự giác rất cao. Còn thói ích kỉ có lẽ là vì môi trường học tập ở truờng đã nảy sinh sự ganh đua giữa các học sinh điều này tốt nhưng nếu đi quá giới hạn của nó thì vô hình chung tạo ra một mâu thuẫn trong tập thể, không những không giúp đỡ nhau tiến lên mà còn kéo cả thành tích chung của cả tập thể xuống. Tôi rất mong các thế hệ học sinh sau này khắc phục được những khuyết điểm đó.


- Khi thầy ở lứa tuổi học sinh, thầy tự đánh giá mình là một học sinh như thế nào?

- Ngày xưa tôi học chuyên Lý. Mà đã là học sinh chuyên Lý thì nói chung là nghịch. Cũng may tôi làm lớp trưởng nên "buộc phải ngoan” nhưng cái mà tôi không có như các em bây giờ đó là sự tự tin và năng động sáng tạo, làm gì cũng phải hỏi ý kiến người khác, nhiều khi khiến mình trở nên tự ti.


- Thầy là một trong những thầy cô giáo đựơc nhiều thế hệ học sinh yêu mến và kính trọng. Theo thầy thì điều gì đã khiến thầy được học sinh dành cho những tình cảm tốt đẹp như vậy?

- Rất cảm ơn các em vì đã dành cho tôi những tình cảm đáng trân trọng. Tôi luôn coi những học sinh của mình như con em trong gia đình. Giúp đỡ, dìu dắt con cái thế nào thì cũng giúp đỡ dìu dắt học sinh như vậy. Giữa thầy và trò luôn có những khoảng cách nhất định về tuổi tác và kinh nghiệm nhưng phải làm thế nào để xóa đi cái khoảng cách đó. Người thầy phải trở thành người bạn lớn của học sinh. Từ đó học sinh mới tin tưởng, gần gũi trò chuyện và yêu quí thầy.


- Thầy mong muốn điều gì đối với nhà trường và những học sinh của trường ta?

- Đối với nhà trường tôi mong muốn trường ta luôn giữ vững được các thành tích, danh hiệu và tiếng tăm từ trước đến nay. Còn đối với học sinh tôi mong muốn học sinh Ams nói riêng và học sinh Việt Nam nói chung trong tương lai phải thực sự giỏi toàn diện trên nhiều lĩnh vực, phải đi bằng cả 2 chân: trí tuệ và đạo đức.


- Thời gian biểu một ngày của thầy như thế nào? Việc phải thường xuyên có mặt ở trường có làm ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống gia đình của thầy không?

- Từ 7 giờ sáng đến 5.30 chiều tôi làm việc ở trường. Từ 6 tới 7.45 tôi đi dạy thêm, vừa để cải thiện đời sống vừa tích lũy thêm kinh nghiệm giảng dạy. Thời gian còn lại thì dành cho gia đình. Trước đây gia đình có bốn người nhưng hiện tại thì cả hai cậu con trai của tôi đều đang ở nước ngoài, vợ tôi cũng đi làm nhà nước nên nói chung cuộc sống gia đình cũng chỉ bắt đầu từ 8 giờ.


- Những lúc rảnh rỗi thầy thích làm gì nhất?

- Tôi có hai sở thích cũng là những việc thường làm lúc rảnh rỗi. Một là đọc báo, đọc truyện ngắn và xem phim Việt Nam vì nó khá gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Còn thứ hai là... đèo vợ đi chơi vào mỗi buổi tối.


- Một câu hỏi mà chắc là rất nhiều người tò mò muốn biết, nếu được thầy có thể kể về mối tình học trò của thầy?

- Tôi có hai mối tình, đều ở trong lớp học ĐH của tôi. Mối tình đầu là hai năm đầu ĐH nhưng vì điều kiện khó khăn (?) và hai người cũng không hợp nhau nên... chia tay. Nhưng thanh niên mà! Buồn cũng không được bao lâu. Đến giữa năm thứ ba tôi có mối tình thứ hai cũng là bà xã bây giờ. Không phải một người duy tâm nhưng tôi luôn quan niệm trong chuyện Tình Yêu bao giờ cũng có cái duyên cái số của nó. Nói chung tôi không có gì phải hối tiếc với sự lựa chọn của mình. Chúng tôi rất hợp nhau và cuộc sống cũng khá êm ấm.


- Vậy những kỉ niệm Tình Yêu mà thầy nhớ nhất?

- Những kỉ niệm của tôi đều gắn với chiếc xe đạp. Ngày xưa vì điều kiện chiến tranh chúng tôi phải đi sơ tán. Tôi thì lúc đó nghèolắm, chẳng có xe cộ gì, còn cô ấy có một chiếc xe đạp. Hai người nhà cũng gần nhau nên cứ thứ 7, Chủ nhật thì người có của, kẻ có công tôi lại đèo cô ấy về nhà. Đến lúc lấy nhau, chúng tôi rồi cả phù dâu phù rể cũng đón dâu bằng xe đạp nhưng như thế cũng đã thấy sang trọng lắm rồi.


- Dự định trong tương lai của thầy là gì?

- Về tư tưởng tôi đã tự cảm thấy bằng lòng với cuộc sống hiện tại của mình, cả công danh, sự nghiệp và cuộc sống gia đình. Trong tương lai nếu còn khả năng làm được việc gì thì tôi sẽ cố gắng làm để đến khi không làm được gì nữa thì cũng không có gì phải hối tiếc.


- Nếu được nói một câu về bản thân mình thầy sẽ nói gì?

- TÔI KHÔNG CÓ GÌ PHẢI ÂN HẬN VỀ CUỘC SỐNG CỦA MÌNH


-Câu hỏi cuối cùng, thầy có thể cho chúng em, những thế hệ học sinh truờng Ams, những người đang theo học, những người đang là sinh viên và cả các anh chị đã ra trường công tác một lời khuyên?

- Thứ nhất, các em nên cố gắng phát huy tính tự tin vốn có của mình điều đó là rất cần thiết cho cuộc sống sau này. Thứ hai bên cạnh việc học tập thật giỏi các em cần tu dưỡng cả về đạo đức, tác phong tư thế để đóng góp nhiều hơn trước hết là cho gia đình, và sau đó là cho xã hội. Thứ ba, những khóa học sinh đã ra trường thì hàng năm nên cố gắng duy trì liên lạc với nhau, hàng năm họp lớp và nếu có điều kiện thì mời các thầy cô tham gia thì càng tốt. Tôi cũng mong những học sinh đã ra trường đi làm có những đóng góp thiết thực cho nhà trường cả về tinh thần và vật chất để xây dựng trường đúng với vị trí vốn có của nó và cũng là để trả nghĩa các thầy cô.


- Cảm ơn thầy về cuộc nói chuyện hôm nay!


Tôi và thầy bắt tay nhau thật chặt.


Lê Đức Phương (Hoá 1 00-03) thực hiện

Ngày 3/10/2003

Vài phút cùng thầy Đào Thiện Khải

Thầy ra trường năm 1958, thầy cùng thầy Hoãn trong đoàn giáo viên Chu Văn An sang xây dựng trường Hà Nội - Amsterdam từ năm đầu tiên. Lúc đầu thầy làm hiệu phó, sau thầy Hoãn nghỉ, thầy lên thay. Thầy dạy Toán, từng dạy đội tuyển Toán của trường nhưng sau công việc bận quá nên cũng thôi. Thầy từng dạy Toán bằng tiếng Pháp ở trường Quốc Tế Pháp, bằng tiếng Anh ở trường Liên Hiệp Quốc. Đến năm 2000 thầy nghỉ ...

Thầy từng là người thầy, người hiệu trưởng được rất nhiều học sinh yêu quí, thầy có thể nói qua đôi chút về sự nghiệp dạy học của mình được không ạ ?

Thầy ra trường năm 1958, thầy cùng thầy Hoãn trong đoàn giáo viên Chu Văn An sang xây dựng trường Hà Nội - Amsterdam từ năm đầu tiên. Lúc đầu thầy làm hiệu phó, sau thầy Hoãn nghỉ, thầy lên thay. Thầy dạy Toán, từng dạy đội tuyển Toán của trường nhưng sau công việc bận quá nên cũng thôi. Thầy từng dạy Toán bằng tiếng Pháp ở trường Quốc Tế Pháp, bằng tiếng Anh ở trường Liên Hiệp Quốc. Đến năm 2000 thầy nghỉ.

Thầy biết bao nhiêu thứ tiếng ạ ?

Thầy biết tiếng Pháp và tiếng Anh, ngoài ra thầy đọc được tiếng Nga và tiếng Trung. Hồi trước đi dạy cho trẻ em nước ngoài nên tiếng Pháp, Anh được bồi bổ nhiều. Tiếng Nga thì hồi đại học thầy phải học bằng sách Nga, giống như bao nhiêu sinh viên thời đó.

Thầy suy nghĩ thế nào về việc dạy học và việc quản lý ?

Quản lý là một công việc khó, cũng là cả một môn khoa học đòi hỏi người thực hiện phải có trình độ và tâm huyết. Thầy cho rằng mình không có khả năng quản lý tốt, thầy thích hợp với công việc nghiên cứu hơn. Vì vậy thầy cũng chỉ làm hiệu trưởng 4, 5 năm rồi thôi.

Từng có nhiều bài báo viết về thầy, là "người đi săn tìm học bổng", có phải thầy rất khuyến khích việc đi du học ?

Trước đây trường mình có nhận được một vài học bổng do nước ngoài đầu tư, thầy cũng mạnh dạn đưa vào trường mình. Sau đó nhà nước mình mở cửa, học sinh đi du học theo học bổng và tự túc ngày càng nhiều hơn. Đi nước ngoài khiến người ta mở mang, học hỏi được nhiều điều, về tri thức và cả quan niệm sống nữa. Tuy nhiên thầy nghĩ, không chỉ có học sinh nên đi du học mà các thầy cô giáo cũng nên được cử đi học, như vậy sẽ tốt hơn trong công tác dạy và học của nhà trường.

Nhiều người nói rằng học sinh trường Ams có xu hướng đi nước ngoài sớm, ý kiến của thầy về vấn đề này ra sao ạ ?

Nhìn lại vào những năm 90, nước mình còn nghèo, điều kiện học tập còn nhiều hạn chế, học sinh chúng ta được đi du học là một việc rất tốt. Còn bây giờ, mọi thứ đã khác, thầy cho rằng việc học trong nước cũng là rất tốt. Nếu như các em đi quá sớm, ngoài những khó khăn về tài chính ra, các em còn vấp phải nhiều vấn đề khi một mình phải sống cuộc sống độc lập. Ở nhiều nước, có những trường đặt ra nhiều luật lệ hà khắc, những khác biệt về văn hoá, tôn giáo ... cũng ảnh hưởng đến các em, có những chương trình học không thích hợp với học sinh Việt Nam...

Trên HAO có chủ đề "nóng" về việc trường Ams ngày càng ít giải Quốc tế, nhiều người cho rằng vì học sinh tập trung đi du học nhiều hơn, thầy nghĩ sao ạ ?

Trường mình là ngôi trường có truyền thống đi thi Quốc tế từ khi mới thành lập, vì thế được Sở, Bộ đặt nhiều niềm tin, nhưng đó cũng là trách nhiệm nặng nề. Tuy vậy, việc đi thi Quốc tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà có lẽ chỉ những người trong ngành mới hiểu được. Học sinh còn phải đi thi đại học, còn có cuộc sống, tương lai riêng, có những em mang tâm lý sợ học lệch, sợ ảnh hưởng đến kì thi đại học, vì vậy việc vào đội tuyển chỉ là khuyến khích chứ không ép buộc. Giải quốc tế đem lại vinh dự cho nước nhà, nhưng trên thế giới có những nước rất ít giải mà nền giáo dục của họ vẫn rất mạnh, rất tốt, ví dụ như Nhật Bản.

Chương trình học ở mình khá là nặng, thầy nghĩ chỉ nên để những học sinh thực sự có khả năng học chuyên sâu, còn lại với đa số nên dạy cơ bản, học cơ bản. Điều quan trọng là phải nắm bắt được cơ bản, tính toán có thể trên máy móc, cần biết ứng dụng những gì mình học được vào thực tế thế nào. Thầy từng dạy trẻ em nước ngoài, nếu đem chương trình của mình mà dạy cho họ thì phần lớn họ sẽ không học được. Hơn nữa xã hội cần đánh giá con người theo đúng khả năng tự học, năng lực bản thân, không quan trọng bằng cấp. Như vậy thì cho dù học ở đâu, mà nếu thực sự có trình độ năng lực và ý thức rèn luyện thì đều thành người có ích.

Thầy có cho rằng học sinh thời nay không được như xưa ?

Trong đời dạy học thầy đã gặp những học sinh hư, thậm chí cả những học sinh nghiện... Tuy nhiên đó không phải là tất cả. Nhà trường và gia đình cần có trách nhiệm giáo dục học sinh, ý thức và nhân cách của học sinh phản ánh điều đó. Các thầy cô giáo cần biết quan tâm, có sự đối xử công bằng với học sinh. Chính người thầy sẽ để lại rất nhiều ảnh hưởng tới cuộc đời học sinh của trò, nếu mình sống, làm việc thật sự tốt thì sẽ được học sinh yêu quí và noi theo. Có những em học sinh bình thường rất nghịch ngợm, ham chơi, nhưng đó là tuổi trẻ, nếu khiến cho các em nhận thấy niềm vui trong việc học tập, trách nhiệm học tập thì các em sẽ học tốt.

Thầy có điều gì muốn nói với HAO và toàn thể học sinh trường không ạ ?

Các em nên xây dựng một diễn đàn liên kết được với tất cả học sinh mình trên thế giới. Đó nên là nơi gặp gỡ, liên lạc, là nơi giúp đỡ nhau trong công việc và phát triển những hoạt động ngoại khoá. Nhà trường khó có khả năng nắm bắt được nhưng học sinh sau khi ra trường sẽ thế nào, vì thế những quan hệ giữa học sinh còn đang học và học sinh đã ra trường sẽ tạo nên tính "truyền thống" rất đặc trưng cho Hà Nội - Ams mà ở nước ta chưa trường trung học nào làm được.

Hãy để đó là nơi giao lưu, gặp mặt không chỉ của học sinh Ams với nhau, mà còn là nơi được học sinh thế giới biết đến. Trong đó nên có phòng truyền thống về trường, thông tin về học sinh, thầy cô đã và đang dạy và học tại trường. Nên tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên đề, nhưng dự án nhỏ, những hoạt động ngoại khoá, hoạt động khoa học để học sinh có thêm nhiều hiểu biết về cuộc sống, học tập và sáng tạo.

Các em cố gắng phát huy hết điều kiện học tập mình có được, việc tự học, tự nghiên cứu là rất quan trọng, tránh học thụ động, chăm chỉ tìm tòi sáng tạo. Sống với nhau đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau sẽ mang lại cho các em nhiều niềm vui và thuận lợi.

Tất nhiên mọi thứ đều khó khăn và cần có thời gian, nhưng thầy tin rằng các em sẽ thành công !

Hà Chi - Hoá1 97-00

Thầy Vũ Xuân Túc: Học văn để đến với đời

Tôi gặp lại thầy trong không khí đầm ấm quen thuộc của ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Căn phòng khách cổ kính mở rộng cửa chào đón tôi - một trong số vô vàn những học sinh của thầy. Thầy vẫn ngồi đó, mỉm cười đôn hậu và run run bắt tay tôi. Trông thầy đã khoẻ lên nhiều nhưng đâu đó vẫn phảng phất bóng dáng của căn bệnh tai biến não hiểm nghèo. Tôi hơi lúng túng bởi đây là lần đầu tiên hai thầy trò trao đổi những vấn đề ngoài văn chương, nhưng dù sao thì câu chuyện cũng bắt đầu...

Tôi gặp lại thầy trong không khí đầm ấm quen thuộc của ngày nhà giáo Việt Nam 20/11. Căn phòng khách cổ kính mở rộng cửa chào đón tôi - một trong số vô vàn những học sinh của thầy. Thầy vẫn ngồi đó, mỉm cười đôn hậu và run run bắt tay tôi. Trông thầy đã khoẻ lên nhiều nhưng đâu đó vẫn phảng phất bóng dáng của căn bệnh tai biến não hiểm nghèo. Tôi hơi lúng túng bởi đây là lần đầu tiên hai thầy trò trao đổi những vấn đề ngoài văn chương, nhưng dù sao thì câu chuyện cũng bắt đầu...

- Sức khoẻ của thầy đã ổn định chưa ạ?

- Hôm nay là vừa tròn năm tháng kể từ ngày thầy phải đi cấp cứu. Sức khoẻ cũng đang dần hồi phục. Hàng ngày thầy phải ăn kiêng và tập đi bộ. Cái hôm tự đi được ra đến đường nhìn đường xá tấp nập đông vui lại nhớ ngày xưa dạy chúng mày cái câu "Dưới đường xa nghe tiếng guốc đi về". Có lẽ nếu 20/11 này khoẻ thầy sẽ về trường để gặp lại mọi người. Từ hôm bị ốm đến bây giờ thầy chưa về trường lần nào cả.

Tôi mừng vì thấy thầy còn minh mẫn lắm. Thầy vẫn nhận ra tôi và nói chuyện rất chân tình, cởi mở. Ơn trời, căn bệnh quái ác kia không làm mất đi cái phong thái ung dung của thầy.

- Thầy bắt đầu cái nghiệp "gõ đầu trẻ" từ bao giờ?

- Thầy đi dạy từ năm 1965, đến bây giờ đã ba mươi chín năm rồi. Ban đầu thầy dạy ở trường Tiên Du (Hà Bắc) bảy năm rồi đi bộ đội sau đó về Hà Nội dạy ở trường Hoàng Văn Thụ và Việt Đức, cuối cùng thì dừng chân ở trường ta.

-Từ khi nào thầy chọn trường Ams làm nơi công tác và tại sao thầy lại chọn ngôi trường này?

- Trước đây thầy dạy lớp chuyên văn đầu tiên của Hà Nội ở trường Việt Đức, sau khi Sở GDĐT Hà Nội quyết định tập hợp tất cả các lớp chuyên để thành lập trường Hà Nội-Amsterdam năm 1985 thì thầy theo lớp chuyên văn về trường.

- Chắc ngày xưa thầy cũng là một học sinh giỏi văn nhưng điều gì đã khiến thầy bước theo con đường văn chương cho đến bây giờ?

- Trong lớp mọi người cũng nhận xét là mình giỏi văn, nhưng mình thì cho mình không thật giỏi. Thầy chỉ dám nhận là mình thích văn, mà đó là nhờ bố thầy. Ông cụ yêu văn lắm, thích đọc và thích viết văn. Có lẽ vì vậy mà thầy có ảnh hưởng ít nhiều từ ông cụ. Cũng vì thích văn mà thầy mới đi theo cái nghiệp này chứ trước kia thầy thích kiến trúc hơn là sư phạm. Nhưng rồi càng ngày càng yêu nghề và nhận ra được cái đẹp, cái cao quý trong công việc của mình.

- Trong suốt quá trình giảng dạy lứa học trò nào để lại cho thầy những ấn tượng sâu sắc nhất?

- Thầy có nhiều học trò thân lắm. Nói chung mỗi khóa thầy đều có những học sinh mà thầy quý như các khóa ra trường năm 85, 97, 2000. Nhưng học sinh mà thầy quý nhất là chị Phạm Hải Anh là học trò lứa chuyên văn lứa đầu tiên của thầy (1985). Chị được giải toàn quốc, vào thẳng đại học sư phạm rồi ở lại làm cán bộ giảng dạy. Chị bảo vệ luận án tiến sĩ với số điểm tuyệt đối 10/10. Bây giờ thì chị đang sống ở Hà Lan và là tác giả của nhiều cuốn sách gây tiếng vang cả ở trong và ngoài nước.

- Thầy có thể kể về những kỉ niệm vui buồn trong nghiệp sư phạm được không ạ?

- Kỉ niệm thì thầy có nhiều lắm, nhớ nhất là hồi dạy ở Hà Bắc phải tiễn học trò của mình ra trận. Rồi mình cũng lên đường nhập ngũ, về đơn vị gặp lại học trò giờ lại là cán bộ cấp trên của mình, vui lắm! Bây giờ nhiều học trò đã làm đến ủy viên TW Đảng nhưng thầy trò vẫn thỉnh thoảng gặp nhau nói chuyện. Hạnh phúc nhất là tất cả những học trò của mình đều đã thành đạt. Không phải trực tiếp đem lại sự thành đạt cho các em nhưng mình nhận ra trong đó một phần nhỏ công sức của mình.

- Có điều gì khiến thầy ân hận, day dứt không?

- Trước khi vào nghề có lẽ mình chưa nhận thức được hết cái tình, cái nghĩa, vái đẹp của cái nghề cao quý này. Càng đi dạy nhiều năm mới thấy nó khó. Dạy con người đã khó, đem những giá trị văn chương đến cho tuổi trẻ càng khó hơn. Bây giờ già rồi mới thấy thấm thía những điều ấy.

- Thầy có cảm thấy buồn không khi mà vì lí do sức khoẻ thầy đã không thể tiếp tục đứng trên bục giảng?

- Vui buồn thì lúc nào cũng có nhưng có lẽ cái buồn nhất là khi mình đã già không còn khả năng giúp ích cho bọn trẻ nữa. Nó không chỉ đơn thuần là nỗi buồn của của một người phải về hưu mà còn là nỗi buồn của một người về hưu không còn đủ sức khoẻ. Cũng không ngờ các em là lứa học trò cuối cùng của thầy.

- Thầy mong chờ điều gì nhất đối với ngành giáo dục và với những học sinh của mình?

- Đối với ngành GD-ĐT, thầy mong làm sao có những cải tiến mang ý nghĩa quyết định để dư luận xã hội không kêu ca như bây giờ. Nếu làm được, thầy tin rằng thế hệ học trò mới sẽ làm được hơn rất nhiều so với thế hệ đi trước. Mọi người vẫn nói "Con hơn cha là nhà có phúc", học trò vượt được thầy mới là điều đáng quý.

Còn với các em học sinh thầy mong mỗi người chọn được định hướng cho đời mình. Ngoài những định hướng chung của xã hội thì mỗi cá thể phải chọn cho mình một con đường riêng, có ích. Cũng cần phải thấy nhiệm vụ của người thầy không phải là ép học sinh đi theo hướng này hướng khác mà phải khơi trúng cái khả năng của tuổi trẻ để các em vững vàng đi trên con đường của riêng mình.

- Không như các thầy cô giáo dạy văn khác, thầy chẳng bao giờ bắt học sinh phải soạn bài cả... vậy phương châm giảng dạy của thầy là gì?

_ Xuất phát từ một cái nhìn thực tế: mỗi giáo viên mất bốn năm học nghề sư phạm sau đó lại phải nghiền ngẫm, nghiên cứu để soạn ra một bài giảng sao cho được hay được nhuyễn để truyền lại cho học sinh. Vậy tại sao lại phải bắt các em thực hiện một công việc tương tự như vậy? Chưa kể đến việc các em còn hơn mười môn khác để học và chuẩn bị. Sự thực là việc soạn bài của các em nếu có chỉ mang tính chất đối phó, chép ở sách rồi chép của bạn. Tôi chỉ muốn các em đọc kĩ tác phẩm, cày bừa nó lên để đến khi lên lớp ông thầy sẽ gieo vào đó những hạt giống tốt.

- Có những ý kiến cho rằng môn văn hiện nay quá xa rời thực tế vì tuy những tác phẩm được chọn để đưa vào giảng dạy đều là những tác phẩm hay thậm chí là kinh điển nhưng hầu hết lại nói về quá khứ, về chiến tranh chứ không thấy rõ hơi thở của cuộc sống hiện tại. Điều này nhiều khi khiến học sinh không mấy hứng thú với môn văn. Thầy nghĩ gì về điều này?

- Lỗi không phải ở học sinh, cũng không phải ở những tác phẩm được chọn mà lỗi là ở người thầy. Ở nước nào cũng vậy, người ta không thể không đưa những tác phẩm văn học vào giảng dạy. Vấn đề là người thầy phải đưa những kiến thức, những giá trị quá khứ vào trong đôi mắt của thời đại, phải phát hiện ra những vấn đề hôm nay và đi tìm lời giải đáp trong những tác phẩm văn học quá khứ. Không có tác phẩm nào là không có tiếng nói trong cuộc sống hiện tại, ngay cả các tác phẩm về chiến tranh, vẫn có chứ! Thời chiến người ta dẹp đi cái riêng để phụng sự cái chung, bây giờ lại là lúc người ta nhân danh cái riêng để quên đi cái chung. Vì vậy mà chính những tác phẩm đó đã góp phần điều chỉnh lại mối quan hệ giữa người với người.

-Chấm điểm môn văn rất khó, barem điểm không rõ ràng như các môn khoa học tự nhiên chưa kể giọng văn mỗi người mỗi khác, vậy theo thầy điều gì là mấu chốt khi cho điểm một bài văn của học sinh?

- Môn văn vốn là một môn mang tính định tính nhiều hơn định lượng. Nhưng dẫu sao nó cũng là một bộ môn khoa học, không thể nhân danh cái định tính để làm mơ hồ tất cả. Phải kết hợp nhiều yếu tố để tìm ra cách đánh giá đúng đắn như cách dạy, cách ra đề theo đặc điểm riêng của bộ môn. Có lẽ nên học tập theo cách chấm văn ngày xưa của các cụ đó là YÊU_BÌNH_THỨ_LIỆT.

- Thầy có thể cho chúng em một vài lời khuyên về cách viết và học văn?

- Phương pháp thì nhiều lắm nhưng theo thầy đọng lại có vài cách thế này. Thứ nhất là phải đọc nhiều, không chỉ đọc những tác phẩm văn học mà còn có thể tham khảo thêm từ báo chí vv... Thứ hai là phải viết nhiều, cũng không phải chỉ là viết văn đơn thuần mà có thể viết nhật kí, viết thư.v.v. nhưng khi viết phải luôn có ý thức rèn luyện cách sử dụng từ ngữ và cú pháp. Cái đích quan trọng nhất của việc học văn là đến với đời, hiểu đời cũng là để hiểu văn hơn.

- Là người gắn bó sâu sắc với văn chương ắt hẳn thầy cũng có những sáng tác của riêng mình. Thầy có thể bật mí với chúng em về một vài tác phẩm mà thầy tâm đắc nhất?

-Nói chung ai cũng nên tập sáng tác, cả thầy cô và học trò cũng vậy. Trước hết là để thỏa mãn những nhu cầu của cá nhân mình, sau là để hiểu hơn về cái công việc bếp núc của người làm văn chuyên nghiệp. Từ đó mà hiểu sâu hơn những tác phẩm mà mình được học. Thầy cũng chẳng có tác phẩm nào thật tâm đắc nhưng có thể kể đến cuốn sách "Một chuyến đi đáng nhớ" và bài thơ " Tiếng trống ngày ra trường"

- Vậy thầy thích những tác phẩm nào?

- Thầy thích những câu chuyện của Pautốpxki. Văn của ông tuy không phải một thứ triết học nhưng mang đầy màu sắc lãng mạn và đễ trở thành bạn của người đọc. Trong nước thì thầy rất thích Nguyễn Khải và Chế Lan Viên.

-Lại nói về cuốn sách của thầy, thầy đã có một chuyến du ngoạn châu Âu đáng nhớ...

- Thầy đã qua mấy nước châu Âu như Pháp, Ý, Bỉ, Hà Lan, Đức. Phải nói rằng họ có một nền văn hóa thật tuyệt vời. Thầy đặc biệt thích Paris và Rome. Nhưng cái thu hoạch được trong chuyến đi này không chỉ là mình đã đến được với những xứ lạ mà thầy còn thấu hiểu thêm cái đẹp của nghề nhà giáo. Suốt từ Nội Bài đến châu Âu xa xôi nơi nào thầy cũng gặp lại được những học sinh cũ của mình. Các anh các chị đều đã đón tiếp thầy chu đáo bằng cái tình cái nghĩa của những người học sinh cũ. Thầy nhận ra rằng nếu mình sống thật, sống chân tình, nghiêm khắc nhưng nghiêm khắc trong tình thương thì học trò sẽ hiểu được tình cảm của mình mà thêm quý mến thầy cô.

- Là một giáo viên dạy văn chắc hẳn chuyện "tình cảm" của thầy phải rất lãng mạn...?

- Ai cũng có một thời trẻ trai! Là người học văn nên đời sống tình cảm cũng phong phú lắm. Cái gọi là lãng mạn cũng có chứ không phải không. Nhưng theo thầy không nên để quá nhiều thời gian vào những việc ấy. Cũng không nên cấm đoán tuổi trẻ mà vấn đề là phải làm sao để tình cảm ấy thực sự trong sáng như những gì mà nó vốn có.

- Thời học sinh sinh viên của thầy chắc cũng sôi nổi lắm...

-Năm ngoái thầy vừa về kỉ niệm bốn mươi năm ngày ra trường ở trường Chu Văn An. Bạn học người còn người mất nhưng gặp nhau vẫn cười đùa vui vẻ như bốn mươi năm trước. Mỗi thế hệ học sinh có một đặc điểm riêng. Những lớp học sinh năm 60 thì nghèo khổ nhưng mà vui vô cùng. Thầy mong các em sau khi ra trường cũng vẫn mãi nhớ về nhau như thế. Tuổi học trò đẹp lắm, đáng nhớ lắm, trong sáng lắm, vì người ta sống với nhau không chút vụ lợi em ạ.

- Cuộc sống gia đình của thầy thế nào?

- Thầy hạnh phúc vì có cô là đồng nghiệp, thầy và cô cũng đã từng dạy rất nhiều trường cùng nhau. Con cái cũng đã trưởng thành cả, thầy không mong gì hơn nữa. Người ta nên biết bằng lòng với những gì mình có. Vui nhất là những gì mình truyền dạy cho con cái cũng như học sinh chúng đều hấp thụ được cả!

-Hiện tại thầy có mong ước làm một điều gì đó không?

- Bây giờ thầy chỉ mong hồi phục thật nhanh để có sức khoẻ rồi trở lại theo một cách nào đó có ích cho học trò. Nhớ học trò lắm, ai ở vào hoàn cảnh của thầy chắc mới hiểu được...

- Thầy đã biết gì về mạng học sinh-cựu học sinh của trường HAO chưa?

- Thú thực đến bây giờ thầy mới nghe nói về website này. Thầy rất mừng vì thế hệ học trò bây giờ đã làm được những điều mà trước đây có nằm mơ thầy cũng không thực hiện được. Thầy cho rằng đây là một việc làm rất tốt của các em. Thầy có vài ý kiến thế này. Các em nên có những thống kê thành tựu nổi bật của trường, có những chuyên mục dành cho những kỉ niệm của học sinh và thầy cô giáo, cũng như nên có những chuyên mục để mọi người thảo luận về những vấn đề của xã hội. Chúc các em thành công.

- Nhân ngày 20/11 chúng em cũng xin chúc thầy cùng gia đình mạnh khoẻ, hạnh phúc.

Thực hiện bởi Lê Đức Phương ( Hóa 1 00-03) ngày 17/11/2003


"Bình này, sao lúc nào cũng hớt ha hớt hải như mất sổ gạo thế. Đi học muộn thầy không mắng đâu mà sợ. Cứ từ từ mà đi." Thầy đã nói câu đó năm tôi còn học cấp III, vậy mà giờ thỉnh thoảng nghĩ lại, tôi vẫn nhớ rất rõ khuôn mặt hiền hiền, nụ cười tươi tắn cùng giọng nói têu tếu của thầy.

Thầy là vậy, luôn yêu thương, quan tâm đến học trò. Những câu nói của thầy nhẹ nhàng, hóm hỉnh, khiến học trò luôn cảm thấy gần gũi, thân thuộc như người một nhà.

Còn nhớ ngày vào thăm thầy ở bệnh viện, thầy mệt lắm nhưng đôi mắt lúc nào cũng cười, học trò đến thăm, thầy bảo: "Ở viện buồn lắm, bác sĩ không cho nói nhiều, các em cứ nói chuyện cho thầy nghe. Đợi khi nào thầy ra viện, thầy nói cho các em nghe." Vậy là ai cũng huyên thuyên, cười nói vui vẻ. Khi ra về, ai cũng tin thầy sẽ mau hồi phục.

Và rồi ngày thầy ra viện, thầy lại nói cho chúng tôi nghe. Thầy kể những ngày ở viện, thầy nhận ra mình đọc nhiều nhưng lại không đọc một mảng cực kỳ quan trọng: Sức khoẻ. Và con người thật kì lạ, luôn biết cách làm thế nào để giữ sức khoẻ nhưng lại chẳng bao giờ làm, chỉ khi mắc bệnh mới quyết tâm thực hiện.

Thầy bảo ở nhà nhiều cũng có cái hay. Trước là có nhiều thời gian dạo chơi quanh khu phố, hiểu hơn về cuộc sống của bà con xung quanh. Thứ là thấy khu phố còn thiếu câu lạc bộ thơ văn, nên không sợ thất nghiệp ở nhà.

Cứ thế, cứ giọng tếu táo, vui tươi như thế, thầy kể cho chúng tôi về những ngày không đến trường, không được gặp học trò. Chúng tôi tự nhiên cũng lây cái nhìn yêu đời, yêu người của thầy.

Cuộc đời vẫn đẹp, dù chúng ta có ở cuối đường, đúng không thầy?

Trần Thuý Bình

Văn 93-96

Thầy Đỗ Văn Thái - Học làm người, học để sống đẹp hơn

Thầy Đỗ Văn Thái hiện là giáo viên chủ nhiệm lớp Văn khóa 02 - 05 của trường HN - Amsterdam. Mười chín năm làm việc tại trường với 34 năm tuổi nghề, thầy đã để lại trong lòng những thế hệ học sinh trường Hà Nội - Amsterdam những ấn tượng sâu sắc về một người thầy giáo hết lòng truyền cho học sinh tình yêu Văn học," học làm người, học để sống đẹp hơn"

Thầy Đỗ Văn Thái hiện là giáo viên chủ nhiệm lớp Văn khóa 02 - 05 của trường HN - Amsterdam. Mười chín năm làm việc tại trường với 34 năm tuổi nghề, thầy đã để lại trong lòng những thế hệ học sinh trường HN-Amsterdam những ấn tượng thực sự sâu sắc về một người thầy hết lòng vì học sinh, hết lòng truyền cho học sinh tình yêu Văn học," học làm người, học để sống đẹp hơn" ( trích dẫn lời của thầy trước lớp 11 Văn).


Dáng nhỏ bé, tóc điểm sương, luôn đi lại tất bật, quan tâm đến từng cô cậu học trò nhỏ, và đặc biệt là giọng giảng Văn cực kì truyền cảm, là những gì học sinh đã học thầy không bao giờ có thể quên. Hơn 50 tuổi, thầy vẫn trẻ trung đọc những vần thơ xuân trước lớp thầy chủ nhiệm:


Mưa rơi vậy đó mưa rơi

Mùa xuân đã đến em ơi ấm lòng

Long lanh sương sớm nắng hồng

Non tơ cỏ mợt, mượt đồng non tơ

Xuân xanh xanh thắm vô bờ

Mang tình yêu tới vô bờ tình yêu


( "Xuân về "- Đăng trên "Văn học và Tuổi trẻ" - số tháng 3 năm 2003)


BBT HAO đã có một bài phỏng vấn nhanh thầy về môn Văn, về học sinh Ams, về những gì một người thầy mong mỏi....


1. Thầy đã dạy ở trường mình bao nhiêu năm rồi ạ? Trong những năm ấy, thầy nhớ nhất khóa học sinh nào?


- Tính từ khi ra trường (1970) đến nay (2004) là 34 năm. Còn ở trường Ams là 19 năm ( từ khi thành lập trường năm 1985). Thực ra thầy cũng mới dạy lớp chuyên Văn được 2 khóa: Trước (1999-2002) và khóa này - các con đang học (2002-2005). Mỗi khóa học đều có những ấn tượng khó quên. Tất nhiên để có được những ấn tượng ấy, thầy-trò phải có nhiều kỉ niệm. Khóa học này với thầy là khóa có nhiều kỉ niệm (mặc dù chưa kết thúc).


2.Thầy có thể nói cho con biết những thuận lợi và khó khăn của học sinh chuyên Văn ?


Học sinh chuyên Văn có nhiều điểm mạnh , song cũng không ít hạn chế. Mạnh ở chỗ thuần tính ( vì dường như toàn là nữ sinh ), dễ gây thiện cảm, sống có tình, rất nhân bản. Cũng vì là học sinh chuyên Văn nên tri thức xã hội phong phú, có thiên hướng nghệ thuật, văn hóa.


Còn hạn chế thì chắc các con cũng biết: bởi chỉ có học sinh nữ nên một số hoạt động - đòi hỏi sự nhanh nhạy, có sức lực - chưa sôi nổi. Thầy cảm thấy nó như mất "cái cân bằng sinh thái" tự nhiên. Đây cũng là hạn chế chung của các lớp chuyên (hoặc chỉ toàn con gái, hoặc chỉ toàn con trai).


3.Thầy mong đợi gì ở một học sinh chuyên Văn?


- Với học sinh nói chung và học sinh chuyên Văn nói riêng, theo thầy phải toàn diện - toàn diện ở học vấn, ở tri thức văn hóa xã hội. Phải thể hiện rõ được cái phẩm chất chuyên Văn ở bản thân.


4.Thầy cho thế nào là sự quan tâm đến học sinh đúng cách?


- Quan tâm đến học sinh không có nghĩa là xét nét em ấy về mọi mặt để răn dạy từng hành động, từng cử chỉ, từng dòng chữ...Thầy quan tâm đến học sinh bằng những hành động nhỏ nhất: nhớ sinh nhật các em, đến thăm các em khi các em ốm, đi cắm trại thầy sẽ đi kiểm tra xem học sinh ăn, ngủ thế nào, quan tâm đến ý thích, ước mơ của từng em... Và học sinh cũng đã hiểu được điều đó và cũng luôn quan tâm đến thầy lắm (Cười!). Và thầy cũng để cho các em tự do phát triển những gì các em cho là đúng đắn và nên làm. Thầy luôn ở bên để là người chỉ đường cho các em, luôn có mặt kịp thời và hiểu các em nhất.


5.Trong 19 năm ở trường mình, thầy có thể có một cái nhìn rất tổng quát về những thế hệ học sinh Ams trước đây, hiện tại và thầy mong mỏi gì ở những khóa học sinh tiếp theo chúng em?


Mỗi thế hệ học sinh có những đặc thù riêng. Bởi sự hình thành những phong cách ở con người, một phần chịu ảnh hưởng rất lớn của xã hội, lịch sử trong các giai đoạn mà con người ấy sống và học tập. Vì thế những học sinh Ams trước đây khác nhiều so với các em bây giờ. Lúc ấy học sinh ít "trò" hơn. Chỉ có học và học. Còn bây giờ, ngoài học, các con có nhiều "trò" quá. Rồi đến các thế hệ sau cũng vậy mà thôi. Ai biết chúng còn có thêm những trò gì mới lạ nữa. Song dù là trước đây, hiện tại hay sau này thì thầy vẫn mong mỏi: đã là học sinh Ams, học sinh chuyên thì phải thể hiện rõ được phẩm chất chuyên.


6. Học sinh ngày nay xu hướng thích giải trí bằng : Game, chat....những trò chơi hiện đại hơn là đọc sách, tiểu thuyết, thơ ca...Thầy có lời khuyên gì cho chúng em không?


- Tất nhiên mỗi thời đại mỗi khác. Và mỗi thế hệ cũng mỗi khác. Họ có những nhu cầu riêng thích ứng với hoàn cảnh. Thời các thầy cô muốn thế cũng không được, vì không có. Song, theo thầy, con người nên phát triển cân đối toàn diện thì vẫn hơn. Không chỉ làm tăng chỉ số IQ mà còn phải bồi đắp tâm hồn cho phong phú.


7. Thầy có thể cho học sinh một số phương pháp học Văn tốt?


-Muốn học Văn tốt trước hết phải thích thú - yêu mến - say mê nó. Môn học nó cũng tựa hồ như sự kết bạn vậy. Nếu anh đã thích tôi thì chẳng lẽ tôi lại lạnh nhạt, thờ ơ với anh sao? Từ bản thân thầy nghiệm ra rằng: Phải có sự đam mê thì mới Giỏi được. Riêng với môn Văn, sự đam mê càng phải lớn. Hơn nữa, một yếu tố rất cần thiết cho sự học Văn - giỏi Văn, đó là tố chất bản thân, làm sự gom góp tích lũy.


8. Trường mình hiện nay có rất nhiều các thầy cô giáo trẻ mới ra trường. Mặc dù các thầy cô đã tốt nghiệp Đại học với những vốn kiến thức rất giàu và mạnh nhưng cũng chưa thể sánh về cả kiến thức, kinh nghiệm và sự thấu hiểu tâm lí học sinh như các thầy cô lâu năm. Trong khi đó, một số thầy cô lại đến tuổi nghỉ hưu rất nhiều. Nhất là tình hình hiện nay của tổ Văn, các thầy cô bị ốm, chuẩn bị về hưu cùng một lúc. Điều đó có nghĩa các thầy cô trẻ phải đảm đương nhiều hơn. Thầy có ý kiến gì không?


- Đó là một khó khăn, cũng là quy luật tất yếu. Vậy nhiệm vụ của nhà trường là phải tự đào tạo, tự bồi dưỡng để có một đội ngũ thầy cô đủ khả năng kế cận. Theo thầy hiện tại việc các thầy cô trẻ phải đảm nhiệm nhiều lớp, nhiều giờ là việc làm "quá tải".


9. Thầy thấy chất lượng của học sinh Ams bây giờ thế nào? Thầy cho nhận xét chung về tình hình học tập nói chung và môn Văn của thầy nói riêng?


Và thầy có thể nói thêm về chuyện trường HN - Amsterdam sắp được công nhận là trường chuyên. Học sinh có cần phải cố gắng hơn? Hay chương trình học sẽ nặng hơn?


Chất lượng-nếu nhìn ở góc độ là những con số về tỉ lệ thi cử (thi tốt nghiệp, thi Đại học, thi học sinh giỏi) thì trường HN-Amsterdam vẫn rất tốt, luôn ở chiều hướng đi lên.


Tuy nhiên, nếu xét ở một bình diện rộng hơn thì một vài năm gần đây, chất lượng học tập (bao gồm cả thái độ, nền nếp đến kết quả xếp loại văn hóa) ở một số bộ phận học sinh - ít thôi- có phần giảm sút. Số lượng học sinh xếp loại văn hóa Trung bình ở cả hai cấp (THCS -THPT) có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân là học sinh chưa có sự đầu tư thỏa đáng; không ít học sinh vào được trường Ams là thấy thỏa mãn rồi từ đó không chịu phấn đấu, rèn luyện. Đương nhiên về phía các thầy cô cũng sẽ phải có những biện pháp thích hợp để chấm dứt hiện tượng kém chất lượng ấy.


Riêng môn Văn thầy cũng thấy hoạt động để phụ trợ cho việc học tập còn ít như ngoại khóa, sáng tác, công việc đọc, giới thiệu sách... chưa thật sự khơi được hết năng lực ở học sinh.


Còn với việc học sinh trường chuyên thì học như thế nào, chương trình nặng hay nhẹ ra sao thì điều này chính các em đã là học sinh của trường chắc sẽ có câu trả lời đúng nhất!


Thầy hiện nay là một cây bút quen thuộc cho tạp chí Văn học tuổi trẻ, báo Dạy và học....để từ đó thầy cho cũng là một phương pháp giúp bản thân trau dồi kiến thức, giúp học sinh của mình tìm ra những địa chỉ để học văn và tìm văn...


Và không phụ công thầy, khóa 1999-2002 đã có anh Trực, anh con trai duy nhất của lớp Văn mang về hai giải Ba văn toàn quốc liên tiếp năm lớp 11, 12, luôn đứng đầu lớp về điểm phẩy trung bình môn cao nhất: trên 9,0 - một điều mà học sinh chuyên Văn Ams hiếm khi có được.


Học sinh 11 Văn khóa 02 - 05 vừa học chăm lại giỏi hầu hết các môn, là một lớp điển hình về nền nếp của trường, đã mang được về cho trường nhiều giải cao của thành phố không chỉ ở môn Văn. Dù học sinh đã vào đại học hay đã đi du học ở nước ngoài, vẫn chỉ mong muốn được về thăm thầy, nghe giọng thầy cười, nghe thầy khuyên bảo và đôi khi chỉ để gọi hai tiếng:" Thầy ơi!"


Ngô Thu Lý

Văn 02-05

Vài phút với thầy Trần Đức Hiền

Phải rất khó khăn tôi mới có thể phỏng vấn được thầy Hiền, dù thầy là giáo viên chủ nhiệm của tôi, bởi vì thầy rất bận rộn. Thầy đã tâm sự với tôi rất nhiều điều về cuộc đời thầy, về những khoá học sinh thầy đã và đang dạy, về những định hướng của thầy cho tương lai...

PHỎNG VẤN THẦY TRẦN ĐỨC HIỀN

(GV chủ nhiệm lớp Sinh 04 - 07, trường PTTH chuyên Hà Nội - Amsterdam)

Phải rất khó khăn tôi mới có thể phỏng vấn được thầy Hiền, dù thầy là giáo viên chủ nhiệm của tôi, bởi vì thầy rất bận rộn. Thầy đã tâm sự với tôi rất nhiều điều về cuộc đời thầy, về những khoá học sinh thầy đã và đang dạy, về những định hướng của thầy cho tương lai...


+ Thưa thầy, thầy có thể kể tóm tắt cho em về chặng đường học tập và công tác của thầy những năm qua được không ạ?

- Thầy sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, là người Hà Nội chính gốc. Thầy học cấp I ngay ở Hà Nội, trước ngày giải phóng thủ đô. Sau đó học cấp II, III cũng ở Hà Nội và vào Khoa Sinh đại học sư phạm. Tốt nghiệp đại học năm 1963, thầy đã dạy học ở rất nhiều nơi: Thanh Hoá, Hà Sơn Bình, Hà Nội... Năm 1972, trước tiếng gọi của tổ quốc, thầy vào bộ đội, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, Quảng Đà khói lửa, rồi sau đó tham gia suốt chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng Sài Gòn. Đơn vị của thầy chính là là trung đoàn 66, sư đoàn 304 anh hùng, thuộc quân đoàn 2 - binh đoàn Hương Giang. Năm 1975, đất nước giải phóng, thầy trở về làm nghề dạy học. Và năm 1985, khi trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam của chúng ta được thành lập thì thầy chuyển về dạy tại đây từ đó đến nay.


+ Thầy đã từng tâm sự với chúng em trong một buổi học rằng: Tôt nghiệp cấp III, thầy nộp đơn xin thi vào đại học y Hà Nội, nhưng sau đó hồ sơ lại bị chuyển sang khoa Sinh trường đại học Sư phạm Hà Nội. Vậy khi đó, thầy có cảm xúc như thế nào và điều gì đã tiếp sức cho thầy trên chặng đường dạy học để trở thành một thầy giáo giỏi và được học trò yêu mến như ngày nay?

- Đúng là sau khi tốt nghiệp cấp II, thầy đã nộp đơn vào trường đại học y khoa Hà Nội. Nhưng vì một số lý do đáng tiếc mà trường đại học y khoa đã chuyển hồ sơ sang khoa Sinh trường đại học Sư phạm Hà Nội ngay trước ngày thi. Tất nhiên, khi đó thầy cũng rất buồn vì nguyện vọng lớn của mình không đạt được, nhưng rồi học Sinh học thấy cũng hay, nhất là qua những đợt thực tập thăm thiên nhiên, tìm hiểu sinh giới. Khi đi thực tập sư phạm, đứng trên bục giảng và làm công tác chủ nhiệm, dạy học giúp cho học sinh hiểu bài, tiến bộ, và được học sinh yêu quý, thầy thấy rất vui rồi bỗng nhiên thấy yêu nghề và dần yên tâm với nghề dạy học.


+ Rất có thể chính điều không may mắn của thầy năm nào lại là sự may mắn lớn cho bao thế hệ học trò đã được thầy dạy dỗ và trưởng thành. Nếu khi đó thầy không vào khoa Sinh sư phạm thì chưa chắc bao nhiêu khoá học sinh chuyên Sinh của trường ta đã đạt được kết quả cao như ngày hôm nay. Thầy có thể nói sơ qua về những kết quả học tập mà các khoá học sinh của thầy đã đạt không ạ?

- Các học sinh thầy dạy (cả các lớp chủ nhiệm và các lớp ôn thi đại học) đều đạt được nhiều giải nhất, nhì, ba thành phố và quốc gia (có cả những em còn học lớp 11) Hai học sinh của thầy đã được dự thi quốc tế. Nhiều em còn là thủ khoa của các trường đại học: Đại học Y khoa Hà Nội, Đại học tổng hợp (nay là Đại học khoa học khoa học tự nhiên), Đại học nông nghiệp, Đại học Răng - hàm - mặt hoặc thủ khoa một số khoa đại học.


+ Từ nãy đến giờ em đã hỏi thầy nhiều về chặng đường dạy học của thầy. Bây giờ thầy có thể chia sẻ với em cảm xúc của thầy với nghề giáo viên được không ạ?

- Trong hơn 40 năm dạy cấp III (nay là trung học phổ thông), thầy đã từng dạy ở những vùng quê rất nghèo. Thầy đã trải qua nhũng năm học trong khói lửa chiến tranh, việc dạy học vô cùng khó khăn gian khổ, cho đến khi hoà bình và bây giờ dạy ở trường ta (trường Hà Nội - Amsterdam). Mỗi năm phương pháp và chương trình dạy học lại có những điều thay đổi, tuổi trẻ ngày một trôi đi, nhưng tình cảm với nghề, thầy vẫn cảm thấy “như những ngày xưa”. Chính các em học sinh (học trò của thầy) trong các lớp thầy dạy đã là nguồn động viên trong giảng dạy của thầy. Mỗi tiết dạy, các em trật tự, say mê, hứng thú nghe giảng và đạt kết quả tốt. Các em ra trường, trưởng thành trong cuộc sống nhưng vẫn nhớ tới thầy. Cha mẹ học sinh cũng rất quý mến thầy... Tất cả những điều đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của đời thầy.


+ Thưa thầy, kỉ niệm thầy nhớ nhất trong cuộc đời dạy học của thầy là gì ạ?

- Trong đời dạy học, có những kỉ niệm thầy không bao giờ quên. Nhưng có lẽ kỉ niệm gây ấn tượng sâu sắc nhất với thầy có lẽ là câu chuyện về một người học sinh - một chiến sĩ. Năm 1967, trường thầy sơ tán về vùng quê Thiệu Nguyên - Thiệu Hoá - Thanh Hoá. Một buổi chiều nọ, một người lính lưng đeo ba lô “con cóc” nặng, tay chống “gậy Trường Sơn” trên đường hành quân Nam tiến đã xin phép đơn vị về thăm thầy giáo cũ. Đó chính là một học sinh cũ do thầy chủ nhiệm. Hai thầy trò chỉ kịp nói chuyện với nhau ít phút rồi trò lại phải đi cho kịp đoàn quân. Tình cờ năm 1974, tại chiến trường Quảng Đà, hai thầy trò lại được chiến đấu cùng một đơn vị, một sư đoàn. Trước hôm nổ súng đánh Thượng Đức (29 - 7 - 1974), em đó đã tìm đến thầy. Trong căn hầm giữa chiến trường, hai thầy trò đã tâm sự rất lâu với nhau về gia đình, về tình yêu.... Thế rồi ngày hôm sau, 30 - 7 - 1974, người học trò đã hy sinh anh dũng. Vừa qua, về thăm chiến trường xưa, thầy đã gặp mộ em đặt tại nghĩa trang liệt sĩ Thượng Đức - liệt sĩ Đinh Bách Vạn.


+ Câu chuyện thật là cảm động, thầy ạ. Nghe thầy kể em mới biết chiến tranh ác liệt đến thế nào. Em sẽ không bao giờ quên hình ảnh người chiến sĩ ấy. Còn trong hiện tại, thầy có suy nghĩ gì về thế hệ học sinh ngày nay? Liệu chúng em có xứng đáng tiếp bước được thế hệ đi trước không? Và thầy có thể cho chúng em những lời khuyên để vững bước vào đời được không ạ?

- Học sinh ngày nay có nhiều điều kiện trong học tập, đời sống gia đình và xã hội được nâng cao, không phải qua những ngày chiến tranh ác liệt và gian khổ. Nhiều em rất giỏi, thông minh và năng động. Học sinh trường Hà Nội - Amsterdam vẫn giành được những kết quả cao trong học tập và giáo dục toàn diện. Tuy vậy, các em không được qua thực tế chiến đấu, chiến tranh ác liệt với những năm tháng gian khổ. Các em đừng quên những người đi trước đã hy sinh để chúng ta có được cuộc sông ngày hôm nay. Đừng bao giò các em có ý nghĩ: bố mẹ, thầy cô lại nói chuyện “ngày xưa”. Các em hãy sống với phong cách hiện đại nhưng không được quên nền nếp truyền thống của gia đình mình, để sao cho trường mình sẽ là trường anh hùng mãi mãi... Đề các em đạt kết quả tốt trong học tập, trước mắt là đỗ đại học, bên cạnh sự quan tâm của gia đình và nhà trường, các em còn cần lưu ý nắm chắc kiến thức cơ bản, nâng cao để củng cố nội dung học trong chương trình, học tốt đồng bộ ba môn thi đại học. Hơn nữa, phải chăm chỉ, học tập có phương pháp, biết tự học. Đặc biệt phải chọn trường đại học phù hợp với bản thân. Ra đời, các em hãy tự tin (nhưng đừng tự kiêu), khiêm tốn (nhưng đừng tự ti). Hãy luôn nhớ: Sự thành đạt của các em luôn có sự đóng góp và mong mỏi của cha mẹ, thầy cô đấy. Thầy còn muốn nhắn nhủ với các em điều này: Ngành nghề nào cũng có phần hay, mà cũng có phần hạn chế. Các em hãy sống với nghề, hãy nhớ “có trái tim và khối óc thì nghề nào cũng có tương lai”.

Thầy chúc các em luôn mạnh khoẻ, học giỏi và thành đạt trong cuộc sống.


+ Cảm ơn thầy đã chia sẻ những tình cảm chân thành của thầy cho chúng em. Mong thầy luôn khoẻ mạnh và tiếp tục thành công trong cuộc sống.

Ngày 17 - 9 - 2005

Phỏng vấn thầy Trần Đức Hiền - Trần Nhật Anh (Ban biên tập)